Giám
sát và phản biện xã hội là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của MTTQ các cấp
theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị. Qua gần 5 năm
triển khai, bên cạnh những kết quả tích cực thì vẫn đang đạt ra nhiều băn khoăn.
Lựa chọn nội dung giám sát
sát thực tiễn.
Đồng chí Nguyễn Văn Huy – Chủ
tịch UBMTTQ tỉnh, khẳng định, triển khai Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày
12/12/2013 của Bộ Chính trị, MTTQ các cấp trong tỉnh đều đã nhận thức rất rõ,
thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, không chỉ nhằm phát hiện những
vấn đề tồn tại để kiến nghị điều chỉnh, nâng cao công tác quản lý, điều hành của
chính quyền nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, mà còn góp phần nâng
cao vai trò, vị thế của MTTQ trong hệ thống chính trị. Bởi vậy, quá trình triển
khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, MTTQ từ tỉnh đến cơ sở vừa làm, vừa rút
kinh nghiệm, với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, bám sát tình hình thực tế
của địa phương để lựa chọn nội dung giám sát, phản biện thiết thực và có tác động
tích cực. 
Đối
với cấp tỉnh, trên cơ sở lắng nghe ý kiến, phản ánh của nhân dân, Ủy ban MTTQ tỉnh
cũng đã cân nhắc lựa chọn, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy giám sát nhiều chuyên
đề trọng tâm, như công tác quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật;
việc thực hiện các kết luận, quyết định của UBND tỉnh về xử
lý ô nhiễm môi trường tại một số cơ sở chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh; việc cấp
thẻ bảo hiểm y tế và việc thực hiện khám, chữa bệnh theo BHYT cho hộ nghèo, cận
nghèo; việc thực hiện chính sách miễn thu thủy lợi phí; việc thực hiện chính
sách đối với các hộ gia đình về khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng trên địa bàn
tỉnh...
Qua giám sát, Ủy ban MTTQ tỉnh
đã phát hiện những vấn đề tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện các nội
dung được giám sát và báo cáo kết quả với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chỉ
đạo các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khắc phục các tồn
tại được phát hiện. Chẳng hạn, gần đây nhất, thông qua giám sát việc thực hiện chính sách miễn thu thủy lợi phí, Ủy ban
MTTQ đã phát hiện một số bất cập. Đó là, việc quy định thu thủy lợi
phí cấp nước tạo nguồn tưới theo Nghị định 67/2012/NĐ-CP của Chính phủ mới chỉ quy định đối với cây lúa, rau
màu, chứ chưa quy định cho các loại tưới. Nguồn thu thủy lợi phí cấp bù chủ yếu
dành cho công tác vận hành, trả lương cho người lao động ở các đơn vị dịch vụ
thủy lợi, còn nguồn dành cho công tác duy tu, bảo dưỡng công trình rất hạn chế.
Hay thông qua giám sát việc cấp thẻ bảo hiểm
y tế và việc thực hiện khám, chữa bệnh theo BHYT cho hộ nghèo, cận nghèo, cho
thấy, công tác này vẫn đang còn những băn khoăn. Cụ thể, tỷ lệ
tham gia BHYT ở một số xã chưa đạt so với chỉ tiêu giao hàng năm, nhất là các đối
tượng hộ cận nghèo theo Quyết định 797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trình độ
chuyên môn, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ y tế tuyến xã còn nhiều hạn
chế dẫn đến chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh
cho người dân. Thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về khám chữa bệnh cho
các đối tượng người nghèo, người sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn khi điều
trị nội trú, hỗ trợ tiền ăn, vận chuyển các trường hợp cấp cứu, tử vong hoặc bệnh
quá nặng mà người nhà có nguyện vọng đưa về nhà nhưng không được BHYT theo Quyết
định 61/2013/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An còn gây
khó khăn, phiền hà đối với đối tượng được thụ hưởng.
Đối với
cấp huyện, sau gần 5 năm triển khai Quyết
định số 217-QĐ/TW, Ủy ban MTTQ các huyện, thành, thị xã đã chủ trì 226
cuộc giám sát chuyên đề và cấp xã là 2.608 cuộc. Ngoài ra, MTTQ cấp huyện và xã
cũng đã tổ chức 2.730 cuộc cuộc giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét,
góp ý văn bản; cùng tham gia giám sát với các ban, ngành, cơ quan, đoàn thể gần
5.000 cuộc. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện chia sẻ, quá
trình giám sát, MTTQ các cấp ở Quỳnh Lưu chú trọng phát hiện những vấn đề bất cập,
tồn tại, hạn chế để kiến nghị với chính quyền, đồng thời báo cáo với cấp ủy
cùng cấp quan tâm chỉ đạo khắc phục. Bởi vậy, nhiều nội dung giám sát đã tạo được
bước chuyển biến sau đó. Ví dụ như thông qua giám sát việc thực hiện chức
trách, nhiệm vụ cũng như nề nếp làm việc của cán bộ, công chức theo Chỉ thị 17
của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị 26 của Chính phủ, việc chấp hành giờ giấc
làm việc trước đó chưa nghiêm túc được các địa phương chấn chỉnh và nhiều vấn đề
liên quan đến người dân được đốc thúc như công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất cho các hộ gia đình, giải quyết kiến nghị, phản ánh và đơn thư khiếu nại,
tố cáo của công dân. Hay sau giám sát việc quản lý và
sử dụng nguồn xã hội hóa trong trường học đã chấn chỉnh việc một số trường xây
dựng nghị quyết và đưa ra chỉ tiêu thu xã hội hóa, đồng thời yêu cầu các trường
xây dựng kế hoạch đầu tư cụ thể, trên cơ sở đó xin ý kiến của phụ huynh để huy
động...
Cũng bám sát tình hình của địa phương, đối với MTTQ 2 cấp ở thị xã
Cửa Lò, nội dung giám sát được tập trung vào các đề án kinh tế - xã hội, quốc
phòng – an ninh do UBND thị xã ban hành; công tác quản
lý xe điện trên địa bàn thị xã; giải quyết
đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; công
tác công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, ytế học đường tại các trường mầm non, tiểu
học; giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, gia đình chính
sách; công tác thu phí vệ sinh môi trường; công tác vận động, sử dụng nguồn huy
động từ nội lực; giám sát công tác cấp giấy CNQSDĐ… Bên cạnh việc thực
hiện khá nghiêm túc yêu cầu các nhiệm vụ, công việc được giám sát của các cơ
quan, ngành và địa phương, theo Chủ tịch
UBMTTQ thị xã Trần Thị Thanh Thủy, qua giám sát, nổi lên vấn đề ở cơ sở,
đó là việc lưu trữ hồ sơ, giấy tờ chưa đầy đủ và chưa chú ý đến quy trình tổ chức
thực hiện các nhiệm vụ một cách bài bản, cụ thể và khoa học. Và thông qua giám
sát, không chỉ chỉ ra những tồn tại, hạn chế, mà điều quan trọng là MTTQ thị xã
đã quan tâm hướng dẫn cho cơ sở thực hiện đúng, đầy đủ và bài bản hơn. Chẳng hạn,
thông qua giám sát công tác tiếp công
dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, MTTQ thị xã đã hướng dẫn
cho cơ sở về quy trình giải quyết và trả lời kết quả giải quyết đến tận công
dân, tránh tình trạng giải quyết rồi mà không thông tin, trả lời đến tận công
dân, dẫn đến công dân thắc mắc đi thắc mắc lại và kiến nghị nhiều lần…
Hoạt
động phản biện còn hạn chế
Nếu
như hoạt động giám sát được MTTQ ba cấp trong tỉnh thực hiện ngày càng bài bản,
hiệu quả, thì việc thực hiện chức năng phản biện xã hội đang hạn chế, bất cập. Chủ
tịch Ủy ban MTTQ thị xã Thái Hòa Phạm Đức Huân, chia sẻ, hoạt động phản biện của
Ủy ban MTTQ 2 cấp thời gian qua chủ yếu là bằng việc cho ý kiến góp ý vào các
văn bản của cơ quan, đơn vị, ngành gửi xin ý kiến hoặc phối hợp tham gia ý kiến
phản biện vào các văn bản do các cơ quan, đơn vị tổ chức; còn việc Ủy ban MTTQ
thị xã chủ trì tổ chức các cuộc phản biện một cách bài bản theo hình thức hội
nghị, hội thảo thì lâu nay đang còn rất ít. Tính từ khi triển khai Quyết định số
217-QĐ/TW đến này, mới có 3 cuộc phản biện do Ủy ban MTTQ thị xã chủ trì, gồm phản biện vào dự thảo báo cáo
điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã Thái
Hòa đến năm 2020; dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thị xã Thái Hòa lần thứ II, nhiệm kỳ 2015
- 2020; dự thảo nghị quyết
về tăng cường công tác chính trị tư tưởng, thông tin định hướng dư luận xã hội
gắn với công tác vận động quần chúng của Ban Thường vụ Thị ủy. Đối với xã, phường
thì hoạt động này gần như chưa thực hiện được.
Theo đồng chí Phạm Đức Huân, muốn thực hiện tốt chức năng phản biện
thì điều kiện về nguồn lực phải đảm bảo, bao gồm về nhân lực và vật lực, nghĩa
là kinh phí để hoạt động. Về nhân lực
thì MTTQ thị xã có thể tập hợp, quy tụ được đội ngũ chuyên gia có lý luận,
trình độ, kinh nghiệm để tham gia vào Ban tư vấn để thực hiện phản biện. Mặt
khác, muốn có đội ngũ này đòi hỏi phải có kinh phí để chi trả công lao động về
chất xám trí tuệ cho đội ngũ này trong việc nghiên cứu tài liệu, thu thập thông
tin và tham gia phản biện. Tuy nhiên, kinh phí chi cho hoạt động cả giám sát,
phản biện cấp thị xã chỉ có 70 – 80 triệu đồng/năm; ở xã, phường lại càng khó
khăn. Bên cạnh khó khăn về nguồn lực, thì theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Thái
Hòa, các phòng, ban, cơ quan, đơn vị chủ trì xây dựng các văn bản pháp quy cũng
chưa chủ động đề xuất cơ quan MTTQ thực hiện phản biện, trong khi đó chưa có chế
tài để buộc các đơn vị gửi văn bản yêu cầu phản biện. Mặt khác, tinh thần cầu
thị, tiếp thu của đơn vị xây dựng văn bản có lúc, có nơi chưa đầy đủ hay nói
cách khác đang thiếu thiện chí trong việc tiếp thu và chỉnh sửa, bổ sung sau phản
biện, ảnh hưởng đến chất lượng phản biện. Đề cập ở một góc độ khác, Phó
Chủ tịch UBMTTQ huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Anh Tuấn, cho rằng, khó khăn nhất ở cấp
cơ sở trong việc thực hiện chức năng phản biện xã hội, đó là ở các địa bàn vùng
nông thôn khó quy tụ được những người có chuyên môn sâu ở từng lĩnh vực vào Ban
tư vấn cấp xã để tham gia phản biện có chất lượng.
Để giải
quyết những vấn đề nêu trên, theo nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh cần có cơ chế xác định rõ các quyết sách, quy hoạch, kế
hoạch, đề án cần phải lấy ý kiến phản biện, tránh tình trạng “xin – cho” trong
phản biện. Bên cạnh đó thì các cơ quan, tổ chức - chủ thể phản biện cũng cần
quy tụ được đội ngũ có trí tuệ, năng lực chuyên môn và đặc biệt là bản lĩnh dám
nói, dám phản biện, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chủ thể phản biện.
Khi các chủ trương, chính sách, đề án được tổ chức phản biện một cách nghiêm
túc thì sẽ đem lại hiệu quả lớn và tích cực, góp phần loại bỏ những bất
cập, hạn chế và hệ lụy trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách,
các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án… sau khi được phê duyệt, từ đó góp
phần thực hành tiết kiệm và phòng chống tham nhũng mà Đảng đang tâp trung
lãnh đạo, chỉ đạo hiện nay.
Mai Hoa
|